Thế giới đang sắp cạn kiệt cát, mặt hàng quan trọng nhưng bị bỏ quên
Nhu cầu trên toàn cầu đối với cát, một trong những hàng hóa quan trọng nhất nhưng ít được đánh giá cao nhất trên thế giới đang tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn tài nguyên này đang bị mất dần đi.
Toàn bộ xã hội của chúng ta được xây dựng trên cát. Đây là nguyên liệu thô được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới sau nước và là một thành phần thiết yếu đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Cát là vật liệu chính được sử dụng trong xây dựng cầu đường, tàu cao tốc và thậm chí cả các dự án tái tạo đất. Cát, sỏi và đá được nghiền nát cùng nhau và được nấu chảy để làm kính sử dụng trong mọi cửa sổ, màn hình máy tính và điện thoại thông minh. Ngay cả việc sản xuất chip silicon cũng sử dụng cát.
Tuy nhiên, thế giới đang phải đối mặt với sự thiếu hụt cát và các nhà khoa học khí hậu nói rằng điều đó là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.
“Liệu đã đến lúc lo sợ về việc này? Điều đó chắc chắn sẽ không giúp ích được gì, nhưng đã đến lúc chúng ta nên xem xét và thay đổi nhận thức của chúng ta về cát”, Pascal Peduzzi, Giám đốc Cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết trong một hội thảo trên web do tổ chức tư vấn Chatham House tổ chức.
Peduzzi đã mô tả việc quản lý tài nguyên cát trên toàn cầu là “con voi trong phòng”.
“Chúng tôi chỉ nghĩ rằng cát ở khắp mọi nơi. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ cạn kiệt cát, nhưng nó đang bắt đầu ở một số nơi. Đó là dự đoán những gì có thể xảy ra trong thập kỷ tới, bởi nếu chúng ta không nhìn về phía trước, nếu chúng ta không dự đoán, chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề lớn về nguồn cung cấp cát, cũng như về quy hoạch đất đai”, ông nói thêm.
Sự bùng nổ sử dụng nhiên liệu cát trong xây dựng
Hiện tại, không thể giám sát chính xác việc sử dụng cát trên toàn cầu. Tuy nhiên, Peduzzi cho biết, điều này có thể được giám sát gián tiếp do mối tương quan tốt giữa việc sử dụng cát và xi măng.
Liên hợp quốc ước tính rằng 4,1 tỷ tấn xi măng được sản xuất mỗi năm, chủ yếu do Trung Quốc thúc đẩy khi chiếm đến 58% sự bùng nổ xây dựng sử dụng nhiên liệu cát ngày nay.
Cần 10 tấn cát để sản xuất mỗi tấn xi măng. Điều này có nghĩa chỉ riêng đối với lĩnh vực xây dựng, hàng năm thế giới đã tiêu thụ khoảng 40 - 50 tỷ tấn cát. Điều đó đủ để xây một bức tường cao 27 m, rộng 27 m bao quanh hành tinh mỗi năm.
Tỷ lệ sử dụng cát trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong hai thập kỷ qua, một phần do kết quả của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ vượt xa tỷ lệ tự nhiên mà cát đang được bổ sung do phong hóa đá bởi gió và nước.
Cát có thể được tìm thấy trên hầu hết các quốc gia trên Trái đất, phủ trắng các sa mạc và các đường bờ biển trên khắp thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả cát đều hữu ích. Cát sa mạc bị bào mòn bởi gió chứ không phải nước, quá mịn và tròn để kết dính với nhau cho mục đích xây dựng.
Một phần của sự thay đổi
Louise Gallagher, Trưởng nhóm quản lý môi trường tại UNEP/GRID - Sáng kiến Đài quan sát cát toàn cầu cho biết, các vấn đề xung quanh cát đã trở thành một vấn đề “lan tỏa” và “phức tạp” cần giải quyết.
Bà Gallagher nói rằng, việc cấm khai thác cát sông chắc chắn sẽ có tác động xấu đến những người và cộng đồng dựa vào nghề này để kiếm sống.
Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách các khu vực mà hoạt động khai thác cát ảnh hưởng đến sông, hồ và bờ biển, phần lớn là do nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng tăng cao.
Trong tương lai, xu hướng công nghiệp hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa đều là những xu hướng có khả năng thúc đẩy nhu cầu cát tăng mạnh.